Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Nutrients cũng cho thấy, việc thường xuyên tiêu thụ anthocyanins – chất chống oxy hóa tạo nên màu sắc của gạo đen – có liên quan đến việc giảm nguy cơ đau tim ở những bệnh nhân trên 65 tuổi có huyết áp bình thường.
Gạo đen cũng rất giàu các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B, có chức năng nuôi dưỡng cơ tim. Ngoài ra, gạo đen rất giàu kali, magie và canxi, cũng có thể góp phần kiểm soát và hạ huyết áp.
Hàm lượng chất xơ trong gạo đen không chỉ có lợi cho sức khỏe tim mạch mà còn tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Chất xơ là một loại carbohydrate không tiêu hóa được hỗ trợ quá trình tiêu hóa đều đặn. Có hai loại chất xơ: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Loại không hòa tan có nhiều nhất trong ngũ cốc nguyên hạt. Loại chất xơ này giúp mọi thứ di chuyển qua hệ tiêu hóa trơn tru hơn và giúp tăng khối lượng phân để ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón.

Ảnh: EatingWell
Chế độ ăn đủ chất xơ cũng hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Khi chất xơ đi vào đường tiêu hóa, nó giúp sản xuất axit béo chuỗi ngắn hỗ trợ sức khỏe tổng thể của chúng ta.
5. Cải thiện sức khỏe của mắt
Cùng với anthocyanin, gạo đen còn chứa hàm lượng cao lutein và zeaxanthin, hai carotenoid được biết đến với vai trò hỗ trợ sức khỏe mắt. Những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ các tế bào trong mắt và làm giảm tác động của bức xạ cực tím (UV).
6. Hỗ trợ giảm cân
Gạo đen là nguồn chất xơ và protein lành mạnh, cả hai đều có thể thúc đẩy giảm cân bằng cách giảm cảm giác thèm ăn và tăng cảm giác no. Kết hợp với chất chống oxy hóa là anthocyanin còn giúp giảm cân nặng và tỷ lệ mỡ cơ thể.
7. Quản lý bệnh tiểu đường
Theo WebMD, flavonoid như anthocyanin cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường. Các hợp chất thực vật có tác động tích cực đến cơ thể người bệnh, cải thiện độ nhạy insulin để có thể sử dụng glucose tốt hơn. Chúng cũng giúp giảm quá trình tiêu hóa đường ở ruột non, giúp giảm lượng đường trong máu hiệu quả.

Ảnh: Intuitive Food Design
Ai không nên ăn gạo đen?
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng gạo đen có nhiều chất xơ hơn các loại gạo khác nên có thể gây kích ứng đường tiêu hóa cho một số người, đặc biệt nếu bạn tăng lượng chất xơ quá nhanh. Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có thể thấy các triệu chứng khó dung nạp hàm lượng chất xơ trong gạo đen, đặc biệt là khi ăn cùng với các thực phẩm giàu chất xơ khác.
Người mắc bệnh thận nên tránh sử dụng gạo lứt đen do hàm lượng phốt pho trong gạo tương đối cao.
Bên cạnh đó, nếu vừa khỏi bệnh hay đang phục hồi sau bệnh thì cần tìm nguồn carb dễ hấp thụ, tránh ăn gạo lứt đen giàu chất xơ và protein thô làm tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng tới sức khỏe vốn đang yếu sẵn.
Trong gạo đen có nhiều ion kim loại, bao gồm magie và sắt, do đó tốt nhất không nên ăn gạo đen khi đang dùng các loại thuốc khác như oxytetracycline và chlortetracycline.
Nguồn: Health, Healthline, WebMD