Vị khách Tây có phản ứng đặc biệt khi ăn quả bòn bon Việt Nam.
Cuối tập, vị khách Tây này dành những lời khen có cánh cho quả bòn bon: “Ôi chu choa, tôi mê rồi nha. Các bạn còn dư trong kia không, cho tôi mang về đi”.
“Tôi chấm trái này rồi, ngon, ngon lắm”, vị khách Tây nói.
Trên thực tế, quả bòn bon là loại quả ưa thích của nhiều người Việt. Thậm chí, thời xa xưa, bòn bon còn được chọn làm vật phẩm dâng lên cung đình.
Bòn bon (tên khác là lòn bon, loòng boong) là loại quả nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam với hương vị thơm ngon, dịu ngọt, theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Dưới triều Nguyễn, bòn bon được chọn dùng làm vật phẩm dâng tiến lên cung đình vào các dịp lễ tiết quan trọng. Theo những ghi chép cũ, quả bòn bon xứ Quảng rất được vua và hoàng thân ưa chuộng.

Nông dân thu hoạch bòn bon tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết).
Theo Viện Cây trồng Trung ương, cây bòn bon là giống cây ăn quả nhiệt đới lâu năm và có giá trị kinh tế cao và lâu dài. Cây bòn bon nguồn gốc từ bán đảo Malaysia và dần trở nên phổ biến ở Đông Nam Á và Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…).
Cây bòn bon dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nông dân khắp nơi ưa chuộng, đặc biệt là nông dân miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL, theo thông tin trên báo Dân Việt. Đặc biệt, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bòn bon là một loại trái cây được xếp vào loại đặc sản, theo báo Đại Đoàn Kết.
Quả bòn bon là nguồn cung cấp dồi dào đường, chất xơ, và các vitamin A, B1, B2, B3, C cùng nhiều khoáng chất quan trọng khác. Chính vì vậy, quả bòn bon có lợi cho sức khỏe, đặc biệt trong việc ngăn ngừa lão hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, do chứa lượng đường khá cao, người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng, theo thông tin từ Viện Cây trồng Trung ương.
Ngoài phần ruột, các bộ phận khác của cây bòn bon cũng được sử dụng làm thuốc. Vỏ và hạt cây có tác dụng hạ sốt, tiêu diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh đường ruột, sốt rét, tiêu chảy, kiết lỵ…
Vỏ bòn bon sau khi phơi khô và đốt có khả năng xua đuổi muỗi và các côn trùng gây hại. Khi bôi lên da, vỏ còn có tác dụng làm dịu vết thương do côn trùng hay bò cạp cắn nhờ vào khả năng kháng khuẩn. Trong lá cây, có những hợp chất có thể ức chế sự phát triển của các khối u trên da.
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, bòn bon còn được trồng làm cây cảnh trong nhà hoặc cây tạo bóng mát tại các khu đô thị, công viên trong những năm gần đây.